TOMATO F1 NAIN
- Ẩm độ (Hum): ≤ 8%
- Độ sạch (Pur): ≥ 98%
- Tỉ lệ này mầm (Ger): ≥ 85%
- Xuất xứ (Ori): Ấn Độ
- Đặc điểm: Sinh trưởng hữu hạn, kháng bệnh héo xanh và xoăn virus tốt, dạng quả rắn, chín đỏ tươi. Thời gian thu hoạch: 60-70 ngày sau trồng. Trọng lượng quả: 90-130g/quả. Năng suất 2-2,5 tấn/sào 360m2. Thời vụ: vụ chính thu đông T8-T10 Â.L, đông xuân T10-T12 Â.L
Hướng dẫn kỹ thuật trồng:
1 - CHUẨN BỊ ĐẤT TRỒNG
Tránh trồng cà chua trên đất cát hoặc đất quá chua. Đất trồng cà chua phải thoát nước tốt. Trước khi cày bừa nhà nông cần rắc 30 kg vôi bột/ sào BB. Đất cần được cày bừa kỹ, dọn sạch tàn dư cỏ dại. Để hạn chế sâu bệnh cho cà chua, nhà nông nên phơi ải đất khoảng 10 – 15 ngày. Đất không nên làm quá nhỏ. Làm luống đôi phải rộng 1 – 1,2 m. Cách rãnh luống rộng 30cm, sâu 35 cm. Tốt nhất là làm luống theo hướng đông tây, chiều dài luống không nên vượt quá 20m.
Bón lót: Tiến hành trước khi trồng 10 ngày. Bón rải đều và tập trung cách mép luống 20 cm. Bón lót phải đảm bảo bón sâu 20cm và lấp đất kín phân. Lượng bón xin tham khảo bảng dưới.
2 - TRỒNG VÀ CHĂM SÓC
Trồng cây theo kiểu so le. Khoảng cách trồng là cây cách cây 40 cm, hàng cách hàng 70 cm, mật độ 1000 cây/ sào BB (đối với giống vô hạn cần trồng với khoảng cách 60cm x 80 cm). Nhà nông nên trồng vào buổi chiều mát, trồng xong tưới đẫm ngay để cây chóng hồi xanh.
Bón phân: Lượng phân bón ở bảng này có tính chất tham khảo, nhà nông có thể sử dụng phân tổng hợp NPK theo chỉ dẫn của nhà sản xuất, tuỳ thuộc vào độ màu mỡ của đất, nhà nông có thể tăng hoặc giảm lượng phân bón.
Lượng bón cho 1 sào BB
Bón lót: Phân chuồng: 500-600kg, Super lân: 30kg : bón cách mép luống 20cm
Sau trồng 7-10 ngày: Đạm urê: 2kg: Hòa nước dễ tưới.
Sau trồng 20-25 ngày: Đạm urê: 6kg, Kali: 4kg: Bón cách gốc 10cm kết hợp với làm cỏ, vun, xới. Bón giữa 2 cây/hàng.
Sau trồng 40 ngày: Đạm urê: 3kg, Kali: 4kg: Bón cách gốc 15cm kết hợp với làm cỏ, vun, xới. Bón giữa 2 hàng/luống.
Sau trồng 55-60 ngày: Đạm urê: 2kg, Kali: 3kg: Có thể tưới hoặc bón qua đất
Đối với các giống vô hạn có thể bón thúc thêm 1 – 2 lần nữa sau mỗi lần lấy quả, lượng bón khoảng 2 kg urea + 2 kg kali.
Làm giàn và cắt tỉa: Nhà nông có thể làm giàn hình chữ A, khi buộc cà chua nên dùng dây rơm tránh dùng lạt. Biện pháp cắt tỉa có tác dụng làm thông thoáng ruộng sản xuất. Đối với giống hữu hạn chỉ tỉa bỏ lá già và cành tăm vì cà chua hữu hạn có nhiều cành mang hoa. Những giống cà vô hạn cần tỉa hết nhánh nhỏ, mỗi cây chỉ giữ lại 2 thân chính. Tỉa xong cần dọn sạch ruộng để tránh dịch hại phát triển.
Phun phân bón lá: Đây là một kỹ thuật mới nhằm tăng thêm 15 – 20% năng suất cà chua, tuy nhiên không phải phân bón lá nào cũng có hiệu quả cao. Để tăng năng suất cà chua và giảm sâu bệnh phát triển nhà nông nên phun Alpha Green định kỳ 7 ngày 1 lần. Khi sử dụng loại phân bón này, nhà nông không cần thụ phấn cà chua bằng hoá chất 2,4 D nữa mà cà chua vẫn đậu quả tốt.
3 - THU HOẠCH
Nên thu hoạch cà chua khi quả chưa chín hẳn, cần cắt cả cuống, cách làm đó sẽ giúp cà chua bảo quản được tốt hơn.
PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH
- Sâu hại cà chua:
+ Ruồi đục lá: Trên bề mặt lá xuất hiện những đường loằng ngoằng (thường gọi là sâu vẽ bùa). Thuốc đặc trị là Polytrin, Trigard, Vertimec 1.8 ND.
+ Sâu xám: Là loại sâu trú ngụ dưới đất, chỉ hại cây con vào ban đêm. Phòng trừ bằng cách rải Basudin xung quanh gốc.
+ Bọ phấn: Bọ phấn có kích thước rất nhỏ màu trắng, khi rung cây cà chua chúng mới bay ra, đây là loài trung gian truyền bệnh xoăn lá virus. Phòng trị bằng thuốc Actara 25 WG.
+ Sâu xanh: Là loài sâu có kích thước lớn và rất dễ phát hiện. Sâu xanh có nhiều màu sắc khác nhau, là đối tượng thường xuyên kháng thuốc. Sâu xanh là đối tượng đục quả cà chua gây thất thu nghiêm trọng. Nhà nông có thể sử dụng thuốc Cyperan, Match, Pegasus, Amater.
+ Nhện hại: Cả nhện trắng và nhện đỏ đều gây hiện tượng lá cà chua bị co rụp xuống, cây không vươn được ngọn. Trừ nhện đỏ bằng các thuốc có hoạt chất Abamectin như Vertimec 1,8 ND.
+ Rầy mềm: Chuyên chích hút, tiết bồ hóng và truyền bệnh virus. Phun Actara 25 WG vào giai đoạn sắp có hoa.
- Bệnh hại:
+ Đốm lá vi khuẩn: Vết bệnh trên lá có màu gỉ sắt, xung quanh có quầng vàng. Bệnh do vi khuẩn Speudomonas syringae pv. tomato nên chưa có thuốc đặc trị. Khi bệnh xuất hiện cần nhổ bỏ và tiêu huỷ cây bệnh. Nhà nông có thể phun COC 85 để chống lây nhiễm.
+ Héo xanh vi khuẩn: Bệnh thường xảy ra ở những chân ruộng chua, tỷ lệ cát nhiều, đọng nước. Điều kiện lý tưởng để bệnh phát triển là thời tiết nắng mưa thất thường. Khi trời nắng, một số cây bệnh sẽ héo rũ, cắt ngang cây bệnh nhà nông sẽ thấy mạch dẫn bị thâm đen, nếu bóp mạnh thân cà chua xì ra một thứ dịch màu trắng. Bệnh do vi khuẩn Ralstonia solanacearum gây ra, hiện nay tuy chưa có thuốc đặc trị nhưng có rất nhiều giống kháng tốt với bệnh này.
+ Bệnh đốm vòng: Bệnh do nấm Alternaria Solani gây ra. Vết đốm trên lá hay trên quả đều là những đường tròn đồng tâm màu nâu đen. Khi bệnh xảy ra, nhà nông cần tỉa bỏ những lá, quả bị nhiễm bệnh. Có thể sử dụng loại thuốc Score 250 EC để phun trừ.
+ Bệnh thán thư: Do nấm Collectotrichum spp gây ra. Bệnh hại cả trên lá, thân và quả. Vết bệnh màu nâu đen, thường khá to và bị lõm vào trong. Vết phát sinh phát triển nhiều trong điều kiện ẩm độ không khí cao. Thuốc đặc trị cho loại bệnh này là Score 250 ND, Topan 70WP....
+ Bệnh héo rũ: Do nấm Fusarium oxysporum gây ra. Cây bệnh có biểu hiện khá giống héo xanh. Khi cây nhiễm bệnh thường gây ra triệu chứng vàng lá gốc. Cắt ngang thân cây bệnh thường thấy thân cây có màu xanh đen, các mạch dẫn màu vàng. Bệnh khá khó chữa, nhà nông thực hiện các biện pháp phòng như: Luân canh cây khác họ, bón lót vôi bột, xử lý hạt giống, làm luống thoát nước...Khi cần có thể sử dụng thuốc Tilt Super (phun tránh hoa và phần non), hoặc các thuốc có gốc đồng như Coper – Zinc, Booc đô...
+ Bệnh phấn trắng: Bệnh do nấm Leveillula taurica gây ra. Vết bệnh là những đốm trắng vôi, khá to và không có hình dạng xác định. Đây là một loại bệnh phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết ấm có mưa. Khi cần nhà nông có thể sử dụng thuốc Topsin M hay boocđô...
+ Bệnh sương mai: Bệnh do nấm Phytopthora infestant gây ra. Bệnh có khả năng gây thất thu nặng trên cà chua. Vết bệnh có thể xuất hiện trên lá, thân và nghiêm trọng nhất là quả. Nhà nông cần phòng trừ sớm loại bệnh này nhất là trong điều kiện có sương mù hay mưa phùn. Thuốc đặc trị cho loại này là Rhidomil Gold 68WP, Dithan Xanh M45 80WP, Benlate, Aliette, Score...Không luân canh cà chua với khoai tây hay các cây họ cà.
+ Bệnh xoăn vàng lá, bệnh khảm lá: Đây là hai loại bệnh khác nhau nhưng đều do virus gây nên. Hiện nay nhà nông cần sử dụng giống kháng bệnh. Những vùng chuyên canh cây cà chua, dưa leo cần phun trừ bọ phấn truyền bệnh.
+ Bệnh tuyến trùng nốt sưng: Đây là loại bệnh mà nông dân ít khi phát hiện ra bởi nó xuất hiện ở vùng rễ. Bệnh do tuyến trùng gây hại, rễ cây bệnh có hiện tượng sưng. Bệnh ít khi gây chết nhưng lại làm giảm năng suất và sức chống chịu của cà chua. Bệnh pháp phòng hữu hiệu nhất là bón lót 50 kg vôi bột/ 1000 m2, nếu phun Alpha Green định kỳ sẽ trừ đến 90% loại bệnh này.